Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Quá trình phát triển
Lượt xem: 802

Cao Bằng quê hương giàu truyền thống Cách mạng, nhân dân các dân tộc sớm giác ngộ và đi theo Cách mạng. Đã đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp Cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều vùng đồng bào là nơi các Lãnh tụ ở và hoạt động Cách mạng, được đồng bào nuôi, giấu, che trở: Bác Hồ ở Pác Bó (Hà Quảng) Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ở Lam Sơn (Hòa An), Minh Tâm, Tam Kim, Hoa Thám (Nguyên Bình).

Cao Bằng, với 8 dân tộc  chính: Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Sán Chỉ, Lô lô, Hoa và các dân tộc thiểu số khác cùng sinh sống. Tuy các dân tộc có phong tục tập quán, văn hóa và tiếng nói khác nhau, xong đồng bào các dân tộc trong tỉnh đều đoàn kết một lòng tin theo Đảng cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

- Thời kỳ 1946-1949, công tác dân tộc trực thuộc Ban mặt trận - Dân vận tỉnh ủy. Chức năng, nhiệm vụ là “củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc”. Thực hiện lời kêu gọi của Tỉnh ủy, ủy ban hành chính tỉnh “Tăng gia sản xuất phục vụ kháng chiến” nội dung nêu rõ: “Giữa lúc mà Tổ quốc đang lâm nguy, bổn phận của mỗi người công dân  là phải nỗ lực làm việc, tăng gia sản xuất góp phần xương máu vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.

- Thời kỳ 1950-1955, công tác dân tộc vẫn thuộc Ban mặt trận- Dân vận Tỉnh ủy. Chức năng, nhiệm vụ là khắc phục những vấn đề còn tồn tại sau chiến dịch giải phóng biên giới (1950), phục hồi và tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế… Ra sức xây dựng hậu phương vững mạnh, kịp thời phục vụ các chiến dịch. Đặc biệt, nhân dân các dân tộc của Tỉnh đã vinh dự được đóng góp sức người, sức của vào chiến dịch chiến thắng Điện biên phủ (1954) lừng lẫy khắp năm châu.

Giai đoạn này do đồng chí Hoàng Nghiệp, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban mặt trận- Dân vận (trong đó có công tác dân tộc).

Thời kỳ 1956-1958, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ-NS/TƯ ngày 29/01/1955 thành lập tiểu Ban dân tộc Trung ương, về mặt chính quyền bộ máy Ban dân tộc thiểu số trực thuộc Chính phủ. Với Cao Bằng giai đọan này thành lập Ban dân tộc tỉnh với chức năng, nhiệm vụ: Giải quyết các vấn đề dân tộc, nghiên cứu tình hình dân tộc, kiểm tra đôn đốc việc thi hành chính sách dân tộc ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tập trung hoàn thành tốt cuộc Cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân với khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Giai đoạn này, do Đồng chí Nông Hiền Hữu làm Trưởng ban dân tộc của tỉnh.

Trong các thời kỳ Cách mạng, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh nhà; tuy nhiên từng thời điểm cơ quan công tác dân tộc có tên gọi khác nhau, song nội dung nhiệm vụ công tác dân tộc vẫn không thay đổi.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất (ngày 29/5/1948) Tỉnh ủy đã phân công một Cán bộ phụ trách công tác dân tộc. Đến 8/1948, Tỉnh ủy mở Hội nghị cán bộ người dân tộc thiểu số Mông, Dao, Nùng. Với chức năng, nhiệm vụ: Vận động đồng bào các dân tộc đóng góp sức người, sức của  cho “cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi”.

- Thời kỳ 1959-1975, công tác dân tộc ở Tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy. Với chức năng, nhiệm vụ: Nắm tình hình dân tộc thiểu số, đôn đốc, kiểm tra thực hiện một số chính sách dân tộc ở vùng dân tộc ít người. Vận động đồng bào hăng hái tăng gia sản xuất, động viên thanh niên các dân tộc thiểu số hăng hái lên đường nhập ngũ và bảo vệ Tổ quốc, tiến tới giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Giai đọan này do đồng chí Hoàng Hồng Cao làm Trưởng ban  dân tộc tỉnh.

- Thời kỳ 1976-1979, công tác dân tộc, với chức năng nhiệm vụ: Tập trung vận động đồng bào ổn định đời sống và sản xuất, giải quyết các vấn đề xã hội do hậu quả chiến tranh biên giới để lại. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác định canh định cư, thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giai đoạn này, do đồng chí Hoàng Hồng Tiến kiêm làm Trưởng ban dân tộc tỉnh.

- Thời kỳ 1980-1982 do đồng chí Nguyễn Ích Kim làm Trưởng ban dân tộc Tỉnh ủy. Với chức năng, nhiệm vụ: Tham mưu tổng hợp, nghiên cứu các vấn đề dân tộc, công tác dân tộc cho Tỉnh ủy.

- Thời kỳ 1982-1994, công tác dân tộc của Tỉnh chuyển về phòng Dân tộc thuộc ban Dân vận Tỉnh ủy. Với chức năng, nhiệm vụ: Tham mưu, tổng hợp, nghiên cứu các vấn đề dân tộc thiểu số, kiến nghị với Tỉnh ủy và Trung ương về vấn đề Chủ trương, chính sách đối với các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng. Kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư về vấn đề dân tộc thiểu số ở các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính quyền và các đoàn thể trong tỉnh. Nắm, theo dõi, tổng hợp và tuyên truyền vận động đồng bào Dân tộc thiểu số ít người không đi theo “vàng chứ” “Thìn hùng”. Tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Pháp luật của Nhà nước. Vận động đồng bào tích cực lao động sản xuất, ổn định đời sống và phát triển kinh tế xã hội. Tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, mê tín, dị đoan… Tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Tỉnh.

Giai đoạn này, do các đồng chí: Đàm Côn, Triệu Quang Cánh, Nguyễn Khánh Trực, Nguyễn ích Riện và đồng chí Đặng Hồng Tư ủy viên thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy.

Cùng thời kỳ này, năm 1982-1994 ở tỉnh ta còn có ban định canh định cư trực thuộc UBND tỉnh và đến thời kỳ 1994-1996, chuyển chức năng, nhiệm vụ của Phòng dân tộc của Ban dân vận Tỉnh ủy, nhập với Ban định canh định cư tỉnh thành: Ban dân tộc và Định canh định cư trực thuộc ủy ban nhân dân Tỉnh. Có chức năng nhiệm vụ: Theo dõi, tổng hợp một số vấn đề công tác dân tộc, nắm tình hình  truyền đạo trái phép trong vùng đồng bào Dân tộc thiểu số ít người và triển khai thực hiện các dự án định canh định cư  trong vùng đồng bào dân tộc.

Giai đọan này, do các đồng chí: Đào Trọng Dén và đồng chí Nguyễn Văn Toán làm Trưởng ban.

- Thời kỳ 1996 đến năm 2000; tháng 8/ 1996 chuyển bộ phận làm công tác dân tộc từ Ban dân tộc và định canh định cư tỉnh, thành lập Ban dân tộc của tỉnh trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh.

- Thời kỳ năm 2001 đến năm 2008, theo chương trình cải cách hành chính của Tỉnh, trên cơ sở sáp nhập Phòng Tôn giáo của Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh với Ban dân tộc tỉnh, thành Ban dân tộc và tôn giáo tỉnh. Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác dân tộc, công tác Tôn giáo của địa phương. Ban dân tộc và Tôn giáo đã xây dựng đề án kiện toàn tổ chức bộ máy gồm: 3 Lãnh đạo, 5 phòng chuyên môn (Văn phòng, Thanh tra, Phòng chính sách dân tộc, Phòng tôn giáo, Phòng kế hoạch tổng hợp) với 24 biên chế. Với chức năng, nhiệm vụ: Giúp cấp ủy, chính quyền xây dựng các chương trình hành động, đề ra các giải pháp, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo  vào cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo. Từng bước phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc, đảm bảo an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và ổn định tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ của tỉnh.

Giai đọan này, do đồng chí Dương Kim Qúy và đồng chí Đặng Hồng Tư  làm trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo của tỉnh.

- Giai đoạn từ tháng 5 năm 2008 đến tháng 10 năm 2017:

+ Từ tháng 5 năm 2008 đến tháng 3 năm 2017 thực hiện Nghị định 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh tách phòng tôn giáo sang Sở Nội vụ. Ban Dân tộc tỉnh có tổ chức bộ máy gồm: 4 Lãnh đạo, 4 phòng chuyên môn (Văn phòng, Thanh tra, Phòng chính sách dân tộc, Phòng kế hoạch tổng hợp) với 22 biên chế và 4 người lao động hợp đồng theo NĐ 68.

+ Từ tháng 4 năm 2017 đến tháng 10 năm 2017, Ban Dân tộc sắp xếp lại tổ chức bộ máy gồm 4 Lãnh đạo, 5 phòng chuyên môn (Văn phòng, Thanh tra, Phòng chính sách dân tộc, Phòng Tuyên truyền và địa bàn, Phòng Kế hoạch – tổng hợp) với 22 biên chế và 4 người lao động hợp đồng theo NĐ 68.

Với chức năng, nhiệm vụ: Giúp cấp ủy, chính quyền xây dựng các chương trình hành động, đề ra các giải pháp, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo  vào cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo. Từng bước phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc, đảm bảo an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và ổn định tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ của tỉnh.

Giai đoạn này do đồng chí Mạc Văn Nheo làm trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

- Giai đoạn từ tháng 11 năm 2017 đến nay:

+ Thời kỳ từ tháng 11 năm 2017 đến tháng 5 năm 2019, Ban Dân tộc có tổ chức bộ máy gồm: 3 Lãnh đạo, 5 phòng chuyên môn (Văn phòng, Thanh tra, Phòng chính sách dân tộc, Phòng Tuyên truyền và địa bàn, Phòng Kế hoạch – tổng hợp) với 22 biên chế và 4 người lao động hợp đồng theo NĐ 68.

+ Từ tháng 6 năm 2019 đến tháng 02/2022 , thực hiện Đề án số 11 - ĐA/TU ngày 08 tháng 11 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đối với cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện tỉnh Cao Bằng theo Nghị quyết số 18. Ban Dân tộc đã xây dựng Kế hoạch số 21/KH-BDT ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Ban Dân tộc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và kiện toàn tổ chức bộ máy. Đến ngày 28 tháng 5 năm 2019 Ban Dân tộc đã tổ chức sắp xếp, kiện toàn và bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng gồm: 03 Lãnh đạo, 03 phòng chuyên môn (Văn phòng – Chính sách, Phòng Thanh tra – tuyên truyền, phòng Kế hoạch – Tổng hợp) với 22 biên chế và 4 người lao động theo HĐ 68.

Với chức năng, nhiệm vụ: Giúp cấp ủy, chính quyền xây dựng các chương trình hành động, đề ra các giải pháp, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo  vào cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo. Từng bước phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc, đảm bảo an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và ổn định tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ của tỉnh.

+ Từ tháng 3 năm 2022 đến nay, thực hiện Thông tư số 01/2021/TT-UBDT ngày 01 tháng 11 năm 2021của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hướng  dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện và Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 18/3/2022  của UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng. Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-BDT ngày 31/3/2022  Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn thuộc Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng. 

Ban Dân tộc đã tổ chức sắp xếp, kiện toàn và bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng gồm: 03 Lãnh đạo, 03 phòng chuyên môn (Văn phòng; Phòng Thanh tra; phòng Chính sách Dân tộc) với 22 biên chế và 4 người lao động theo HĐ 68.

Với chức năng, nhiệm vụ: tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền xây dựng các chương trình hành động, đề ra các giải pháp, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về dân tộc vào cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo. Từng bước phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc, đảm bảo an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và ổn định tình hình dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn này do đồng chí Bế Văn Hùng làm Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng.