Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Phố Thầu xưa và nay
Lượt xem: 469
Khi thành Mục mã được xây dựng, có 3 khu phố đầu tiên được hình thành là phố Cũ, phố Vườn Cam và phố Thầu, (nay là phố Kim Đồng, Thành phố).
 
Khi thành Mục mã được xây dựng, có 3 khu phố đầu tiên được hình thành là phố Cũ, phố Vườn Cam và phố Thầu, (nay là phố Kim Đồng, Thành phố).

 

 

 Phố Thầu xưa và nay

Phố chính ở Cao Bằng xưa.

Nếu phố Cũ và phố Vườn Cam là nơi tập trung dân cư, yên tĩnh,  là khu đất của vườn tược hay chỉ buôn bán nhỏ lẻ, thì phố Thầu là tuyến phố nhộn nhịp và là trung tâm buôn bán, dịch vụ, thương mại của tỉnh. Đến với phố Kim Đồng ngày nay, điều mà mỗi người cảm nhận đầu tiên là sự sầm uất. Nơi đây là một trong những tuyến phố trung tâm của tỉnh không chỉ về hành chính mà còn về buôn bán, vui chơi giải trí. Sự sầm uất ấy đã phát triển từ thời kỳ phong kiến, thời kỳ Pháp thuộc và cho tới ngày nay.

 Trở lại với tên phố Thầu, tên gọi này cũng có nhiều cách hiểu và lý giải khác nhau: một số người hiểu là phố này là phố chủ yếu buôn bán nên thầu có nghĩa là thầu hàng, thầu quán. Còn theo ông Nguyễn Xuân Toàn, một người có nhiều hiểu biết về Thị xã (nay là thành phố Cao Bằng) thì chữ Thầu ở đây theo tiếng Trung Quốc có nghĩa là đầu, tức là phố đầu đầu tiên người Hoa đến ở. Dường như cách hiểu thứ hai hợp lý hơn cả. Bởi từ những năm 1920 các tư sản người Pháp, người Hoa Kiều ở Thị xã đã nhanh chóng mở rộng kinh doanh thương mại, vận tải và dịch vụ để thu lợi nhuận. Tại phố Thầu, họ đã xây dựng khách sạn, sòng bạc, rạp chiếu bóng, khu giải trí, vui chơi hay còn gọi là “séc”, nay là vườn hoa nhỏ trong dãy phố, khu vực đối diện với chợ Sông Bằng Thành phố ngày nay. Khu vực này ngày trước có cây cầu treo bắc qua bên kia sông.

Cùng với sự phát triển, những người khách thập phương đến đây làm ăn và định cư tại đây. Vì thế, khi gặp được bà Nguyễn Thị Giang, Tổ 31, phường Hợp Giang (Thành phố), chúng tôi cảm thấy thực sự may mắn, bởi những người sinh ra, lớn lên ở phố này chỉ đếm trên đầu ngón tay và ít ai có thể kể chi tiết, những sự kiện được rõ ràng như bà. Bà tận tình chỉ cho chúng tôi biết từng khu vực của nhà chùa, trại giam xưa kia. Tất cả đã in sâu trong ký ức của người con gái phố Thầu này.

Bà kể, khu vui chơi gọi là nhà séc của quý tộc người Pháp, nay là khu vực Nhà khách UBND tỉnh và Đài PT - TH tỉnh. Ở gần vườn hoa trong phố, xưa kia là Hội quán khá rộng do người Hoa xây dựng nên. Không chỉ là nơi sinh hoạt mà còn là trường học của người Hoa kiều. Bên trong có 1 chiếc chuông rất to mà  người có chiều cao trung bình với cũng không chạm được đến ngọn chuông.

Kế tiếp ngôi chùa là trại giam do thực dân Pháp xây dựng, còn được gọi là khu nhà Cẩm hay cách gọi khác nữa là nhà lao. Khu vực này khá rộng lớn, bên trong, ngoài phòng giam còn có vườn trồng rau, trồng hoa. Trại giam được ước tính từ chùa (tức là đối diện Trường THCS Hợp Giang ngày nay) và kéo dài tới hết phố Kim Đồng. Trường THCS Hợp Giang ngày nay, thời Pháp thuộc là trại lính khố xanh, nhà giám binh. Sau khi giải phóng Cao Bằng, bệnh viện được xây dựng tại đây. Từ những năm 1970, khi bệnh viện chuyển xuống Nà Phía, địa điểm này được sử dụng làm bến xe ô tô và hiện nay là trường học.

 

 

 Một góc phố Kim Đồng, phường Hợp Giang (Thành phố).

Những chức dịch cai trị tại địa phương dưới thời Pháp thuộc có: Lý trưởng - Thủ bạ, tức làm công việc khai sinh, khai tử; phố Cũ có Lý Trưởng gọi là trưởng khoa, phố Vườn Cam có Lý Đốc gọi là Lý Viễn và phố Thầu có Trưởng hương. Khu khách sạn Phong Lan hiện nay trước đây là Dinh tuần phủ đặt dưới quyền cai trị của Pháp, là cơ quan hành chính cấp tỉnh. Vì là khu phố buôn bán sầm uất nên từ xưa nơi đây đã là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá và là chợ trung tâm của Thành phố. Với thiết kế có 2 cổng và có người trông coi, bảo vệ, chợ phần lớn bày bán lương thực, thực phẩm và 1 bộ phận nhỏ bán quần áo.

Khu vực phố Thầu xưa kia khá rộng lớn nhưng hiện nay đã thu hẹp hơn nhiều. Để dễ hình dung nhất thì có thể tính từ khách sạn Bằng Giang tới ngã ba chân Pháo Đài, bao gồm cả phía mặt đường và phía bờ sông. Tức là dãy phố Kim Đồng ngày nay. Khu vực khách sạn Bằng Giang xưa kia là gara ô tô của Costơman, khu vực chợ Xanh là gara ô tô của Đờle, đây là 2 hãng ô tô của Pháp. Còn khu vực Liên đoàn Lao động tỉnh là khách sạn Ferier.

Để củng cố chính quyền ngay từ cấp cơ sở, trong kháng chiến, các phố đã được đổi tên và phố Thầu cũng được đổi tên là khu Trần Quốc Tuấn. Ngày13/8/1945, lệnh khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Quân lệnh số 1 của Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc từ chiến khu được truyền đi khắp cả nước. Các cơ sở cách mạng như Nước Giáp, Vườn Cam, Phố Thầu đã khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Truyền đơn cách mạng được chuyển vào nội thị. Có thể nói ngày 21 và 22/8/1945 là ngày hội cách mạng sôi nổi nhất của quần chúng tại Thị xã. Ta đã giành được chính quyền hợp pháp của tỉnh. Ngày 1/6/1946, nhân dân các khu phố đã nô nức tham gia bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp đầu tiên, đây là một đòn mạnh đánh vào âm mưu của bọn phản động nhằm chia rẽ đoàn kết giữa các dân tộc, hòng lật đổ chính quyền non trẻ của ta.

Ngày nay, dù đã được đổi tên là phố Kim Đồng nhưng cái tên phố Thầu đã in sâu trong tâm trí của người dân Thành phố và trải dài theo dòng lịch sử của Cao Bằng. Phố Thầu đã và đang phát triển cùng với sự phát triển của tỉnh, xứng đáng là tuyến phố đô thị văn minh.