Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng:Tổng kết công tác Dân tộc năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021
Lượt xem: 541
Ngày 21/01/2021, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

 

Tham dự Hội nghị có đồng chí Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc; đồng chí Đào Văn Mái, Phó Trưởng Ban, đồng chí Hà Văn Vui, Phó Trưởng Ban; đại diện Thường trực ủy ban nhân dân huyện/thành phố, đại diện lãnh đạo phòng dân tộc của 10 huyện/ thành phố cùng với toàn thể công chức, người lao động của Ban.

 

(Ảnh 01. Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2020)

Theo Báo cáo tổng kết công tác dân tộc năm 2020 tại Hội nghị: Năm 2020, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát vẫn ở mức cao, song dưới sự nỗ lực quyết tâm, quyết liệt cao và nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra (như GRDP bình quân đầu người; Tổng sản lượng lương thực có hạt; Tổng thu ngân sách; Chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học, cấp học; Giảm tỷ lệ hộ nghèo; Số xã công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới...).

(Ảnh 02. Ông Đàm Thanh Hưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An phát biểu tham luận tại Hội nghị)

 

(Ảnh 03. Bà Chu Thị Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh phát biểu tham luận tại Hội nghị)

Các chương trình, dự án chính sách dân tộc được đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (gồm những chương trình, sự án, chính sách do Ban Dân tộc trực tiếp quản lý như Chương trình 135, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, Thực hiện chính sách cho người có uy tín, thực hiện cấp không một số ấn phẩm báo, tạp chí, thực hiện bình đẳng giới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ... và những chương trình, dự án, chính sách do các ngành trực tiếp quản lý như ngành lao động - Thương binh và xã hội; Nông nghiệp và PT nông thôn,  Y tế, Nội vụ, văn hóa thể thao và du lịch, Công thương,Tư pháp, Giáo dục và đào tạo, Thông tin và truyền thông ...)  đã góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nhất là hệ thống đường giao thông, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế... Sản xuất nông, lâm nghiệp có bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến... đã tạo điều kiện trực tiếp cho các hộ đồng bào nghèo ổn định đời sống, vật chất có điều kiện để thoát nghèo, làm giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn tỉnh.

Vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc được quan tâm, chú trọng và phát huy, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh những mặt đạt được trên, Quản lý nhà nước về Công tác dân tộc cũng gặp phải không ít khó khăn như: Lĩnh vực công tác đa dạng, phức tạp, địa bàn chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh chưa đồng bộ, dân trí thấp, đời sống còn rất nhiều khó khăn; Công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có nơi chưa thường xuyên, phương pháp tuyên truyền có lúc, có nơi chưa thật phù hợp với nhận thức của đồng bào các dân tộc, từng vùng, từng địa phương....

(Ảnh 04. Ông Bế Văn Hùng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị)

Phát biểu tại Hội nghị, Đồng chí Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc đã ghi nhận những kết quả đạt được và một số khó khăn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, để công tác dân tộc tiếp tục đạt được kết quả cao hơn trong năm tới, yêu cầu các cấp, ngành, UBND các huyện và toàn thể công chức, người lao động trong đơn vị cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, Tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của mặt trận và các đoàn thể, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc phù hợp với từng đối tượng, người dân tộc thiểu số.

Hai là: Tập trung tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc Hội về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc Hội về Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ba là, Thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp củng cố, kiện toàn bộ máy, thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc được hiệu quả, thống nhất, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Bốn là, Chú trọng và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong thời gian trước mắt tập trung tham mưu rà soát thực hiện tốt Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025. Từ đó, làm căn cứ chuẩn bị xây dựng các đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Cũng nhân dịp này, được sự ủy quyền của Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đồng chí Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 01 tập thể và 01 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng./.

(Ảnh 05. Ông Bế Văn Hùng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng được ủy quyền trao tặng Bằng khen Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho tập thể và cá nhân 

có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.)

 

(Thanh tra - Tuyên truyền)

Thanh tra - Tuyên truyền