Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Ban Dân tộc tỉnh Cao Bẳng thực hiện Thí điểm mô hình bình đẳng giới tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Lượt xem: 456

Ban Dân tộc tỉnh Cao Bẳng thực hiện Thí điểm mô hình bình đẳng giới tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Thực hiện Kế hoạch số 1050/KH-UBND ngày 06/05/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, về thực hiện Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới tỉnh Cao Bằng năm 2013.

Qua khảo sát điều tra, thấy xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình là xã đặc biệt khó khăn (có 10/11 xóm ĐBKK), tỷ lệ hộ nghèo chiếm 41%, 100% số hộ là đồng bào dân tộc Mông và Dao, với 487 hộ, 3.004 nhân khẩu. Đây là xã có nguy cơ tiềm ẩn về bất bình đẳng giới, đặc biệt tình trạng tảo hôn thường xuyên xảy ra, phụ nữ trong xã khi đã lập gia đình thì ít có cơ hội đi học phổ thông, chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến việc nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế gia đình... Do đó, xã đáp ứng được các tiêu chí để lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình bình đẳng giới.

Theo thống kê, Mô hình đã cung cấp một số dịch vụ tư vấn về bình đẳng giới như : Cắm 01 Pa nô tuyên truyền ở trung tâm xã Ca Thành, tập huấn được 04 đợt tại xã cho 78 lượt người tham gia (gồm Ban chỉ đạo mô hình, thành viên tổ tư vấn và các tổ chức đoàn thể); tổ chức 12 đợt tư vấn trực tiếp cho người dân về các văn bản liên quan đến bình đẳng giới ở 03 xóm Khuổi Mị, Khuổi Trà, Nộc Xoa, với 338 lượt đại biểu tham dự.

Pa nô tuyên truyền về bình đẳng giới cắm gần nhà sinh hoạt cộng đồng xóm Khuổi Mị - xã Ca Thành - huyện Nguyên Bình

Việc thực hiện mô hình giúp cho người dân của 3 xóm nói riêng và của xã Ca Thành nói chung thấy được tác động của bình đẳng giới trong gia đình và xã hội, từ đó thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, thay đổi nhận thức, tổ chức đời sống, phát triển kinh tế gia đình, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, văn hóa xã hội được nâng lên, góp phần không nhỏ vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đầu tháng 12/2013, qua kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ tư vấn trong mô hình thấy hiệu quả của các hoạt động đạt được rõ rệt. Trong năm 2013, tại xã không còn tình trạng học sinh bỏ học, hôn nhân cận huyết thống, việc tảo hôn đã có chiều hướng giảm đảng kể, chủ yếu còn vi phạm ở nam giới (năm 2013 có 2 cặp vi phạm, năm 2012 có 4 cặp vi phạm)... Kết thúc các cuộc tư vấn về bình đẳng giới thì có khoảng 80% người dân thay đổi được nhận thức, hiểu rõ hơn về bình đẳng giới trong gia đình, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn. 

Toàn cảnh cuộc họp tư vấn trực tiếp tại xóm Khuổi Mị - Ca Thành - Nguyên Bình

Trò chuyện cùng chúng tôi, thanh niên Triệu Văn Siêu - xóm Khuổi Mị - xã Ca Thành - huyện Nguyên Bình, một trong những đại biểu tham dự cuộc tư vấn trực tiếp tại xã Khuổi Mị (Ca Thành) vui mừng cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi được đi nghe tư vấn trực tiếp về bình đẳng giới trong gia đình, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, các đồng chí của tổ tư vấn truyền đạt dễ hiểu, có ví dụ cụ thể, giúp tôi hiểu và thay đổi nhận thức nhiều về vai trò của nam và nữ trong gia đình, khi nào mới được kết hôn... Bây giờ, tôi đã biết chia sẻ, gánh vác một số công việc giúp vợ, cuộc sống gia đình tôi ngày càng hạnh phúc hơn. Tôi mong rằng mọi người dân trong xã cũng hiểu và thay đổi được nhận thức giống tôi để góp phần phát triển mọi mặt của đời sống và xã hội".

Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và hoạt động thí điểm mô hình bình đẳng giới ở xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng được lãnh đạo các cấp quan tâm, tạo điều kiện, đồng bào các dân tộc thiểu số đồng tình ủng hộ, tham gia đầy đủ các buổi tư vấn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình cũng gặp phải không ít khó khăn. Năng lực hoạt động của tổ tư vấn tại các xã còn hạn chế. Điển hình như ở xóm Khuổi Mị, cán bộ tư vấn không phải là người dân tộc Mông, Dao, còn đa số người dân là đồng bào Dao, Mông, không hiểu được hết tiếng phổ thông, do đó việc truyền đạt tới cho đồng bào về các luật Bình đẳng giới bị hạn chế. Nguồn vốn cấp cho hoạt động mô hình còn ít so với nhu cầu (cả xã Ca Thành có 11 xóm, nhưng Mô hình thí điểm chỉ ở có 03 xóm, chưa đáp ứng được nhu cầu người dân). Ban Dân tộc được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động mô hình nhưng nguồn vốn lại giao về Sở Lao Động - Thương binh  và Xã hội, việc tổ chức thực hiện mô hình không được chủ động, dẫn đến chậm tiến độ.

Năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Mô hình thí điểm bình đẳng giới, việc triển khai thực hiện còn lúng túng, để khắc phục khó khăn, hạn chế còn tồn tại trên trong những năm tiếp theo, Ban Dân tộc cũng đã cùng trao đổi, góp ý với các tổ tư vấn tại 03 xóm của xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, rút kinh nghiệm để nhằm thực hiện tốt hơn trong năm tới, đồng thời mở rộng triển khai rộng mô hình ra các xóm khác, góp phần đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Cao Bằng.

Một số hình ảnh quá trình thực hiện Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới tỉnh Cao Bằng năm 2013:

Báo cáo viên đang tuyên truyền Luật Bình đẳng giới đến người dân

 

Toàn cảnh cuộc họp tư vấn trực tiếp tại xóm Khuổi Mị - Ca Thành - Nguyên Bình

Lê Hằng