Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
LỚP TẬP HUẤN CÔNG TÁC DÂN TỘC ĐƯA QUAN ĐIỂM, CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG, PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀO CUỘC SỐNG
Lượt xem: 366
Thực hiện kế hoạch số 831/KH-BDT ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng về việc thực hiện Dự án 5, Tiểu dự án 2, Nội dung số 01 bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ năm 2022. Từ ngày 24/10 đến ngày 21 tháng 11 năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng tổ chức mở 15 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho các đồng chí là lãnh đạo công chức các phòng ban cấp huyện, lãnh đạo cấp xã, công chức cấp xã, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng xóm. Báo cáo viên là những người đã, đang công tác tại các cơ quan Uỷ ban Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương; Học viện Dân tộc, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc, giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng có kiến thức, kinh nghiệm về công tác dân tộc. 

Toàn cảnh Lớp tập huấn

 

Về nội dung chương trình bồi dưỡng: Với thời lượng 5 ngày/lớp, gồm 6 chuyên đề lý thuyết, kết hợp các chuyên đề tham khảo và đi thực tế và viết bài thu hoạch. Các chuyên đề cung cấp những nội dung về: tổng quan về các dân tộc thiểu số Việt Nam; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc; pháp luật và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; công tác quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số; công tác quốc phòng an ninh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số vững mạnh.

 

Một chuyên đề trong hoạt động tập huấn

 

Trong quá trình giảng dạy các báo cáo viên, giảng viên thực hiện đúng thời gian quy định, đảm bảo nội dung chương trình, cung cấp thông tin, trao đổi để người dự tập huấn dễ theo dõi và ghi chép được nội dung cần thiết, quan trọng. Các báo cáo viên, giảng viên đều có trách nhiệm cao, nhiệt tình trong truyền đạt kiến thức, mở rộng phân tích vấn đề, gắn lý luận với thực tiễn, sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực (mở đầu bài giảng, thuyết trình, hỏi đáp, nhóm nhỏ, tóm tắt kiến thức) gây được sự hứng thú cho người học, những tình huống cụ thể vận dụng sát với thực tế để người nghe dễ hiểu, dễ liên hệ thực tiễn để vận dụng.

Trong thời gian bồi dưỡng, Ban tổ chức tổ chức lớp học đã lựa chọn những mô hình, hoạt động sản xuất kinh doanh giỏi, chuẩn bị nội dung, vấn đề trao đổi, thảo luận, về hậu cần, phương tiện, thành viên tham gia dẫn đoàn đi thực tế tại huyện Thạch An, Nguyên Bình, Hà Quảng. Đây là một cơ hội tốt để học viên được cảm nhận, nắm bắt, giao lưu, học hỏi, trao đổi, chia sẻ về công tác dân tộc, về thực hiện sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. 

Học viên thăm quan mô hình nuôi Cá

Học viên thăm quan mô hình trồng Lê

 

Các lớp Bồi dưỡng tổ chức theo đúng chương trình, kế hoạch, đạt được mục tiêu đề ra. Thông qua lớp bồi dưỡng, học viên hiểu rõ hơn về các dân tộc thiểu số Việt Nam; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, quản lý văn hóa, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, được giải đáp, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi những vướng mắc trong quá trình vận động nhân dân thực hiện các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Đạt được những kết quả trên nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Học viện Dân tộc – Uỷ ban Dân tộc và các đơn vị liên quan, sự nhiệt tình, trách nhiệm cao các cán bộ chuyên môn, sự tâm huyết của các báo cáo viên, giảng viên trong truyền đạt kiến thức. Người tham dự lớp bồi dưỡng đã nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, bố trí sắp xếp hài hòa công việc, gia đình, xã hội để tham dự  đầy đủ, tích cực.

Với những kiến thức cơ bản về các dân tộc thiểu số Việt Nam, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước công tác dân tộc thiểu số, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, công tác quốc phòng an ninh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được trang bị, các đồng chí sẽ làm tốt hơn công việc của mình, vận dụng bài học vào thực tế phát huy được tiềm năng, thế mạnh địa phương, vận động nhân dân xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững./.

 

Đào Công Dân - Thạc sỹ, Giảng viên chính

Trường Chính trị Hoàng Đình Giong