Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nâng cao nhận thức của người dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Lượt xem: 317
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cũng như người dân về hậu quả, thực trạng và nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu TH&HNCHT.

Phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm tổ chức tuyên truyền về tảo hôn

và hôn nhân cận huyết thống tại xã Thái Học.

 

Theo thống kê, năm 2020 toàn tỉnh có 186 cặp vợ chồng tảo hôn; năm 2021 có 261 cặp tảo hôn; đến tháng 5/2022 có 20 cặp tảo hôn. Độ tuổi tảo hôn thấp nhất với nữ là 14 tuổi, nam là 15 tuổi. Tình trạng tảo hôn thường diễn ra ở vùng có đông đồng bào Mông, Dao sinh sống ở các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng...

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh  Bế Văn Hùng cho biết: Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng nâng cao nhận thức của người dân về TH&HNCHT. Thực hiện tốt Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” và Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có Tiểu dự án 2, Dự án 9 với nội dung “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”... Ban Dân tộc tỉnh có Kế hoạch số 846/KH-BDT về thực hiện Tiểu dự án 2 - Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Dự án 9 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg năm 2022.

Theo đó, tập trung tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về TH&HNCHT thông qua tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân tại cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ làm công tác dân tộc cấp xã; biên soạn, phát hành các sản phẩm truyền thông tuyên truyền giảm thiểu TH&HNCHT. Phối hợp với Sở Y tế tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số/kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chỉ đạo các huyện tiếp tục duy trì 7 mô hình tại xã, các huyện có nhiều nguy cơ tỷ lệ TH&HNCHT trong giai đoạn 2015 - 2020 (xã Tân Việt (nay thuộc xã Nam Quang), huyện Bảo Lâm; xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc; xã Thái Học (nay thuộc xã Vũ Minh), huyện Nguyên Bình; xã Lưu Ngọc, huyện Trà Lĩnh (nay thuộc xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh); xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng; xã Bình Lãng, huyện Thông Nông (nay thuộc xã Thanh Long, huyện Hà Quảng); xã Quang Trung, huyện Hòa An. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở… Đến nay, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức 6 hội nghị bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại 3 huyện: Thạch An, Trùng Khánh, Hạ Lang.

Tại các địa phương có vùng đồng bào DTTS sinh sống, hiện nay tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, ý thức, trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, về giảm thiểu TH&HNCHT.

Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm Đặng Văn Bận cho biết: Là huyện miền núi cao, có đông đồng bào DTTS sinh sống, Bảo Lâm đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT. Thực hiện Kế hoạch số 846/KH-BDT của Ban Dân tộc tỉnh, huyện đã xây dựng chương trình và lịch tổ chức tuyên truyền về giảm thiểu TH&HNCHT trên địa bàn. Theo chương trình, huyện tổ chức các lớp tập huấn, truyên truyền các nội dung liên quan đến TH&HNCHT cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc cấp xã, cán bộ chủ chốt các xóm và người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS tại 13 xã, thị trấn. Tập trung tuyên truyền về TH&HNCHT cho nhân dân, nhất là người dân các xóm vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ người DTTS cao. Tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề; bố trí panô tuyên truyền ở các địa điểm sinh hoạt cộng đồng, các trục đường nơi đồng bào thường hay qua lại; bổ sung quy định và các chế tài về chống TH&HNCHT vào hương ước, quy ước xóm. Tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, nhận thức cho đồng bào, xóa bỏ tình trạng TH&HNCHT.

Từ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, nhận thức của đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ, trẻ vị thành niên, thanh niên về Luật Hôn nhân và Gia đình dần nâng lên, người dân có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, cần có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở và sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân để không còn TH&HNCHT.
                     

                                                                                                                                                              Minh Hòa

                       Trích nguồn: Báo điện tử Cao Bằng - http://baocaobang.vn.