image banner
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC (03/5/1946 – 03/5/2025)
Lượt xem: 29

Phát huy truyền thống vẻ vang 79 năm – Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc trong giai đoạn mới

Đã 79 năm qua cơ quan công tác dân tộc với tổ chức tiền thân là Nha Dân tộc thiểu số, thành lập tại Nghị định số 359, ngày 9/9/1946 chiểu theo Sắc lệnh số 58, ngày 3/5/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là cơ quan đầu tiên của Chính phủ làm công tác dân tộc, hiện nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

Việc thành lập Nha Dân tộc thiểu số là một sự kiện mang ý nghĩa lịch sử to lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội giữa các dân tộc anh em. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong việc xây dựng hệ thống cơ quan chuyên trách về công tác dân tộc trong bộ máy nhà nước.

anh tin bai

Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập và đặt nền móng cho công tác dân tộc của nước ta.

79 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển

Trải qua 79 năm xây dựng và trưởng thành, các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc đã không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Công tác dân tộc luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Những dấu ấn nổi bật trong công tác dân tộc

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, ngành công tác dân tộc đã chủ động tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách lớn, mang lại chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên cả nước. Một số chính sách, chương trình tiêu biểu gồm: Quyết định 134, Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… lần đầu tiên nước ta có một chương trình mục tiêu quốc gia riêng biệt cho vùng đồng bào DTTS&MN.

Thông qua các Chương trình, chính dân tộc đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện; cơ sở hạ tầng thiết yếu tại vùng đồng bào và miền núi được đầu tư đồng bộ; bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy hiệu quả.

Tỉnh Cao Bằng – Nêu cao vai trò, góp phần tích cực vào công tác dân tộc của cả nước

anh tin bai

Ngày hội văn hóa – Chợ tình phong lưu huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành và các địa phương tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác dân tộc: an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, giảm dần khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng khác; Hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp; công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được phát huy; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến; 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.

Tình hình an ninh, trật tự xã hội vùng dân tộc thiểu số cơ bản ổn định. Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy truyền thống – Tiếp tục đổi mới, vì sự phát triển bền vững của đồng bào các dân tộc thiểu số

Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc (03/5/1946 – 03/5/2025), mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành công tác dân tộc cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường đoàn kết, đổi mới tư duy và phương pháp công tác; sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt thực tiễn, chủ động tham mưu các chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Trong thời gian tới, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, phát huy nội lực, tranh thủ hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng tỉnh Cao Bằng ngày càng giàu đẹp, văn minh và phát triển bền vững.

anh tin bai

Cán bộ, công chức ngành công tác dân tộc tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát huy truyền thống,

đoàn kết – trách nhiệm – đổi mới.

    Nông Thị Huyền- Phòng Chính sách dân tộc