image banner
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
TUYÊN TRUYỀN NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 01/5
Lượt xem: 19

Nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa Tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh; ở các nước như Đức, Anh, Mỹ, Pháp...phát triển mạnh mẽ. Cùng với những bước tiến của kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột, mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ”, ngày 01/5/1886, tại thành phố Chicago, nước Mỹ diễn ra một sự kiện quan trọng, hàng chục ngàn công nhân thành phố Chicago đã tổ chức tiến hành bãi công, mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài từ nửa cuối thế kỷ XIX của công nhân lao động  nhiều nước trên thế giới khi bị bóc lột sức lao động nặng nề. Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, vì dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ của công nhân khắp nơi tại nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ công nhân Chicago. Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” đã trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động của nhiều nước. Từ các cuộc đấu tranh của công nhân lao động, chính phủ một số nước buộc phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ. Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân, tại Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 01/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 01/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động.

Tại Việt Nam, những năm đầu của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam qua nhiều tác phẩm của Người, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và Ngày Quốc tế Lao động 01/5. Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên Đảng ta xác định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh Công - Nông. Phong trào đấu tranh ngày 01/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Lần đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân cùng nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới, tỏ rõ sức mạnh của khối liên minh Công - Nông. Trong cao trào cách mạng ở giai đoạn 1936 - 1939, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai. Tại Hà Nội, ngày 01/5/1938, từ nhiều con phố, hơn 25.000 người tuần hành về Nhà Đấu xảo Hà Nội (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô hiện nay) để tiến hành cuộc mít tinh, nêu cao khẩu hiệu “Cơm áo, Hoà bình, Tự do”. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ, biểu dương sức mạnh của giai cấp Công nhân và Nhân dân lao động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân và phong trào công nhân đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh, quyền độc lập dân tộc đã trở thành trung tâm, thu hút các giai cấp khác, tạo thành sức mạnh làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về nhân dân.

Sau khi đất nước giành độc lập, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c ngày 18/02/1946 quy định ngày 01/5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân lao động được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 01/5. Ngày 01/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, mít tinh trọng thể kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn công nhân lao động. Từ đây, giá trị của Ngày Quốc tế Lao động 01/5 không chỉ dừng lại ở tinh thần đoàn kết đấu tranh chống áp bức mà được nâng tầm với ý nghĩa sâu xa hơn như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đồng bào toàn quốc và anh chị em lao động: “Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Phát huy tinh thần Ngày Quốc tế Lao động 01/5 Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, hàng vạn công nhân sẵn sàng lên đường chiến đấu; các phong trào thi đua lao động, sản xuất, khôi phục kinh tế, xây dựng hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đã được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia nhiệt tình, góp phần làm nên những chiến công oanh liệt, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau hơn 39 năm đổi mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có sự trưởng thành về mọi mặt, tăng nhanh về số lượng, chất lượng được nâng cao, đa đạng về cơ cấu, đã hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức. Giai cấp công nhân đã khẳng định vai trò là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta.

Qua 39 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã tăng về số lượng, trưởng thành về chất lượng và khẳng định vị thế của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, chính trị của giai cấp công nhân ngày càng cải thiện. Số công nhân có tri thức, nắm vững khoa học, công nghệ tiên tiến đã tăng lên. Hình thành lớp công nhân trẻ có trình độ học vấn, văn hóa, được đào tạo nghề theo chuẩn nghề nghiệp, được rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại, phương pháp làm việc ngày càng tiên tiến.

Công tác Công đoàn và phong trào công nhân đã đạt được kết quả toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Công đoàn đã có những sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều chương trình hoạt động mới như: Chăm lo phúc lợi cho đoàn viên công đoàn; tổ chức "Tết Sum vầy" cho người lao động; xây dựng các thiết chế công đoàn, góp phần tháo gỡ những vấn đề bức xúc cho người lao động. Đồng thời đã có nhiều biện pháp linh hoạt, kịp thời cùng hệ thống chính trị giải quyết những vụ việc liên quan đến quyền lợi, đời sống của công nhân, viên chức, người lao động. Tổ chức đối thoại, thương lượng thoả ước lao động tập thể, góp phần bảo đảm chế độ, chính sách và từng bước nâng cao phúc lợi, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục tạo được sức lan toả trong hệ thống. Phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động có sự chuyển biến tích cực. Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân, viên chức, lao động đi đầu và thành công trong lao động sản xuất kinh doanh, khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị.

Trong thời gian tới, công chức, người lao động Sở Dân tộc và Tôn giáo đứng trước kỷ nguyên vươn mình của đất nước, mỗi công chức, người lao động của Sở cần phát huy những mặt ưu điểm của mình và khắc phục những hạn chế để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời có những giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể như sau:

Một là, tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức người lao động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại cơ quan, đơn vị góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ chung của tỉnh Cao Bằng.

Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Ba là, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Công đoàn của cơ quan, đơn vị. Quan tâm đến công chức, người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công chức và người lao động.

Bốn là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước tại đơn vị; kịp thời lựa chọn, phát hiện, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực trong các phong trào thi đua ở đơn vị.

Năm là, xây dựng bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng Công đoàn vững mạnh, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

                      Phòng Tôn giáo